Tự ứng cử Bầu_cử_Quốc_hội_Việt_Nam_khóa_XIV

Tiêu chuẩn ứng cử Đại biểu Quốc hội[70]

  1. Là công dân nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
  2. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
  3. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
  4. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
  5. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
  6. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
  7. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Diễn biến

Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2001, 83 ứng cử viên độc lập đã nộp đơn, 15 người được phép tranh cử và 4 người được bầu.[71]

Tính cho đến ngày 9 tháng 2 năm 2016, đã có gần 10 cá nhân độc lập tại Việt Nam tự đứng ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.[72]

Ngày 3 tháng 3 năm 2016, ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho biết chỉ riêng Ủy ban bầu cử TP Hà Nội đã nhận được hơn mười hồ sơ của người tự ứng cử. Ở các địa phương khác cũng có người tự ứng cử đến nộp hồ sơ.[73] Về việc nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không nêu ra cơ cấu cho người tự ứng cử[68], ông Nguyễn Văn Pha cho biết: "không ảnh hưởng gì tới việc tự ứng cử. Bởi người tự ứng cử tham gia như một thành phần bình đẳng trong quá trình bầu cử, nếu trúng cử thì họ đương nhiên thuộc vào cơ cấu, thành phần nào đó (ví dụ như trẻ, nữ, dân tộc thiểu số…) trong Quốc hội. Hơn nữa, cơ cấu, thành phần quy định trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ cấu định hướng chứ không phải cơ cấu bắt buộc."[73] Để bảo đảm không xảy ra tình trạng phân biệt đối xử với những người tự ứng cử, ông đề nghị: "báo chí, cử tri, bản thân người tự ứng cử giám sát quá trình này".[73]

Đến hết ngày 13 tháng 3 năm 2016, hạn cuối cùng nộp hồ sơ ứng cử, theo thống kê của Ủy ban bầu cử Hà Nội, số hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV ở Hà Nội là 87, trong đó có 47 người tự ứng cử.[74] Một số địa phương khác cũng có người tự ứng cử như Đà Nẵng 3 người, Nghệ An 5 người, Quảng Nam 3 người, Hà Tĩnh 1 người.[74] Riêng tại TP Hồ Chí Minh thì có đến 50 người tự ứng cử trong tổng số 90 hồ sơ ứng cử.[75]

Tổng cộng có 226 ứng viên là người ngoài Đảng, 162 hồ sơ tự ứng cử, sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, còn lại 154 người tự ứng cử.[75]

Ngày 15 tháng 3 năm 2016, Đoàn giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trưởng đoàn giám sát Hội đồng bầu cử quốc gia dẫn đầu, đã làm việc với Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội. Tại buổi làm việc, Tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng bầu cử Quốc gia, đã nêu ý kiến cho rằng: trong số 47 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội,

"Một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài, thậm chí còn được cung cấp tài chính để vận động, tranh thủ số phiếu của cử tri."[76]

Ngày hôm sau, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, một người tự ứng cử ở Hà Nội, công khai đơn gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị làm rõ thông tin “phản động cung cấp tài chính để vận động bầu cử”. Trao đổi với BBC, luật sư Võ An Đôn, một người tự ứng cử Quốc hội khóa XIV, nói: “Tôi cho rằng việc Tiểu ban an ninh đưa tin có tổ chức phản động cung cấp tài chính để vận động bầu cử cho một số người là động thái tung hỏa mù, khiến ứng viên sợ và cử tri nghi ngờ họ”. Một ứng viên tự đề cử khác, luật sư Lê Văn Luân cũng cho biết trên mạng xã hội hôm 11/3 rằng “Công an huyện về điều tra lý lịch của tôi ở xã. Đến chiều thì lại có người ở Tổng cục an ninh về tận nhà. Họ còn hỏi bố mẹ tôi rằng gia đình hay tôi có nhận tài trợ của nước ngoài không?”.[77]

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ người ứng cử ĐBQH khóa XIV do Ủy ban MTTQ VN Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 17.3, cho là: "Nhìn vào danh sách ứng cử ĐBQH thì thấy ngoài Đảng quá nhiều, tự ứng cử quá nhiều. Đây là tổ chức thứ tư (ý ông Thổ nói MTTQ VN - PV) của Đảng sau Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội chứ có phải ai muốn vào thì vào, ai muốn ra thì ra". Chiều 17.3, hội nghị hiệp thương lần hai đã biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ 90 người ở Thành phố Hồ Chí Minh ứng cử ĐBQH khóa XIV, trong đó có 48 người tự ứng cử (chiếm 53,3%), 44 người ngoài Đảng (48,8%), 30 nữ (33,3%).[40]

Còn theo Chủ tịch Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc,“Với số lượng 47 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội lần này cũng không phải là quá cao so với số lượng người ứng cử kỳ trước, trong đó cũng có rất nhiều nhân sĩ trí thức tham gia tự ứng cử vì muốn cống hiến cho đất nước”.[76]

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn:

"Vào Quốc hội không phải là cuộc dạo chơi, không phải là nơi để họ PR hình ảnh, lấy danh tiếng... Ai nghĩ vào Quốc hội tìm danh tiếng, tìm quyền lợi này kia sẽ thất bại và bị bật ra ngay"[78]

Phong trào tự ứng cử đại biểu Quốc hội trên mạng xã hội

Phong trò tự ứng cử đại biểu Quốc hội bị một số cơ quan báo chí do nhà nước Việt Nam kiểm soát liên tục có những bài viết phê phán và lên án. Các báo này cho rằng những người tự ứng cử có dụng ý chống đối nhà nước và gọi phong trào tự ứng cử là một hình thức "diễn biến hòa bình".[79][80][81]

Trong bài viết đăng ngày 14 tháng 3 năm 2016, báo Công an nhân dân nêu: "Phong trào này thoạt nghe tưởng như thể hiện những giá trị tích cực, tốt đẹp, cần được khuyến khích nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, đó là sự giả tạo, ngụy trang bằng những vỏ bọc, lời lẽ tốt đẹp để che lấp cho những việc làm, ý đồ chống phá, mang tính chất cá nhân nhằm phục vụ ý đồ chính trị của một nhóm người lớn tiếng tuyên bố “tự ứng cử đại biểu Quốc hội” trên mạng xã hội và dùng mọi thủ đoạn để lôi kéo, hối thúc người khác làm cùng. Về những thành viên cốt cán trong phong trào, thay vì có đủ trí tuệ, bản lĩnh, uy tín để đại diện cho cử tri tham gia quản lý Nhà nước và xã hội thì người ta chỉ nhìn thấy ở họ bề dày “thành tích” chống đối, tiền án, tiền sự và cả những mâu thuẫn đến nực cười tồn tại ngay trong chính suy nghĩ của họ, ráo riết tuyên truyền, xuyên tạc rằng Đảng Cộng sản, Nhà nước và chính quyền địa phương gây khó khăn, cản trở, phối hợp để loại bỏ “những người tự ứng cử”; xuyên tạc việc tổ chức bầu cử dưới chế độ một Đảng thông qua hội đồng bầu cử các cấp - “cánh tay nối dài của Đảng” là không khách quan, dân chủ, tiêu cực....Đây là sự quy chụp bởi quy trình, thủ tục về hồ sơ tự ứng cử của công dân đều đã được công khai, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Hồ sơ “tự ứng cử” của công dân khi trình hội đồng bầu cử các cấp thiếu gì thì được yêu cầu bổ sung, sai ở đâu thì yêu cầu sửa cho đúng quy định. Do đó, nói rằng chính quyền gây khó khăn cho những người tự ứng cử như lời của những “nhà dân chủ tự xưng” là không có cơ sở. Trên thực tế, cái gọi là “phong trào tự ứng cử đại biểu Quốc hội” là một trong những chiêu bài chống phá cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp của số đối tượng, phần tử chống đối trong và ngoài nước."[79]

Báo Quân đội nhân dân ngày 8 tháng 3 năm 2016 cho rằng: "Có thể khẳng định, tuy không phải tất cả những người tự ứng cử đều có động cơ không trong sáng, song rõ ràng, âm mưu lợi dụng tự ứng cử để truyền bá quan điểm xuyên tạc, chống phá Đảng Cộng sản, Nhà nước là có thật"[80]. Ngoài ra, trên báo Bình Phước (thuộc Đảng bộ tỉnh Bình Phước) cũng có bài viết với nhận định: "Họ cổ xúy cho “phong trào” tự ứng cử mà không căn cứ vào các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND đối với người ứng cử, hòng làm khó Mặt trận Tổ quốc và hội đồng bầu cử các cấp. Và khi bị loại khỏi danh sách ứng cử vì không đáp ứng được các điều kiện, họ không đếm xỉa gì đến các quy định được nêu trong Luật Bầu cử mà cố tình xuyên tạc sự thật, lu loa lên rằng họ bị đối xử không công bằng; rằng Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương gây khó khăn để loại bỏ những người tự ứng cử; xuyên tạc việc tổ chức bầu cử dưới chế độ một Đảng thông qua hội đồng bầu cử các cấp là không khách quan, thiếu dân chủ, tiêu cực...Họ chưa có đầy đủ ý thức và chưa sẵn sàng (chưa nói đến việc có đủ tiêu chuẩn và uy tín hay không) trong việc làm người đại diện cho nhân dân."[82]

Trái với những ý kiến này, Tướng Lê Mã Lương bày tỏ không đồng tình trước việc cho rằng các ứng viên tự ứng cử có thể “có thế lực phản động đứng sau thậm chí là bơm tiền”. Ông nói:

“Tôi cho rằng không nên nói như thế (Những người tự ứng cử được hỗ trợ bởi các nhóm phản động). Nếu như chỉ ra được thì chỉ ra rõ chứ không được nói chung chung như vậy là phương hại đến việc ứng cử của đại biểu”

.

Đồng tình với ý kiến này, Ủy viên Đoàn chủ tịch MTTQ VN Nguyễn Túc cho biết ông đã “sửng sốt” khi báo chí nêu thông tin trên.

“Mình đang vận động nhân dân tự ứng cử lại đưa tin có tổ chức phản động bảo kê. Việc này cũng làm người ứng cử thấy bị xúc phạm, nhất là các nhân sĩ trí thức rất bất bình”

.

Trước đó một số cơ quan báo chí dẫn thông tin từ tiểu ban an ninh, trật tự, an toàn xã hội của Hội đồng Bầu cử quốc gia tại buổi làm việc của Đoàn giám sát công tác bầu cử do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu với TP.Hà Nội ngày 15.3 cho biết trong số 47 người tự ứng cử ĐBQH tại Hà Nội, một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài...[83]

Một số trường hợp tự ứng cử

Một số trường hợp tự ứng cử có thể kể ra như:

  • Ngày 04 tháng 02 năm 2016, khi trả lời Hãng tin BBC, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà quan sát và vận động cho xã hội dân sự ở Hà Nội, là người đầu tiên tuyên bố tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa này. Ông A cũng đã kêu gọi người dân tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo ông, mục tiêu chính của việc ứng cử của mình là "muốn dấy lên một phong trào để người dân học hỏi, các cơ quan nhà nước cũng phải học hỏi, từ đó tác động thay đổi nhận thức một cách từ từ.”[12] Ưu tiên nhất của ông khi thành đại biểu quốc hội là sửa luật và giám sát chính bộ máy nhà nước, quan chức nhà nước trong việc thực thi luật.[84] Ông Quang A đã viết là ông đã thu thập được 5.000 chữ ký ủng hộ gồm csr những nhà văn nổi tiếng, những viên chức lão thành trong Đảng Cộng sản và một viên tướng hồi hưu. Tuy nhiên theo giaidochinhtri.com thì Ông Quang A đã giả mạo nhiều chữ ký trong bản danh sách đó[85]
  • Luật sư Lê Văn Luân ở Hà Nội, người gần đây bị côn đồ hành hung ở Chương Mỹ, Hà Nội[86], sau khi đứng ra nhận trợ giúp pháp lý trong vụ án một thiếu niên bị đánh chết trong thời gian bị giam giữ[87], cho biết lý do ông tự ứng cử với hãng tin BBC: “mong muốn góp công sức vào một xã hội dân chủ và văn minh hơn,... hi vọng là mọi công dân VN đều có quyền và nghĩa vụ đóng góp sự phát triển đó của đất nước”.[88]
  • Ngày 12 tháng 3 năm 2016, nhà báo Trần Đăng Tuấn, người sáng lập chương trình "Cơm có thịt" mang lại bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em nghèo vùng cao, cho biết đã nộp đơn tự ứng cử.[89]
  • Thầy giáo Đỗ Việt Khoa lần thứ 2 tham gia tự ứng cử Đại biểu Quốc hội với nguyện vọng "có tiếng nói sâu sát về thực trạng của nền giáo dục hiện tại...Phải là giáo viên đứng lớp mới hiểu nỗi khổ của giáo viên, học sinh".[90]

Tự ứng cử viên than phiền

Theo hãng tin BBC, tự ứng cử viên Quốc hội Hoàng Văn Dũng, làm nghề tự do và là một nhà hoạt động của phong trào Con đường Việt Nam, nói ông bị "gây bất lợi" trong buổi hiệp thương tại địa phương (Quận Phú Nhuận, TP HCM). Ông bị phê bình là “chống phá chính quyền, không ủng hộ hay đồng tình với chủ trương của nhà nước”, “bạn bè kéo về nhà để xe bừa bãi trước cửa”, và “đi biểu tình chống Trung Quốc”. Những người đến ủng hộ ông Dũng "không được cho vào", cả vợ của ông cùng tổ dân phố cũng gặp khó khăn. Họ còn bị một bọn người đi xe máy chạy qua ném mắm tôm vào người.[91]

Buổi lấy ý kiến cử tri

Quy trình làm việc của mỗi buổi lấy ý kiến cử tri bao gồm

  1. Công bố tiêu chuẩn để trở thành Đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp
  2. Quy định các trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND
  3. Danh sách và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử đại biểu HĐND'
  4. Các ứng cử viên lên tuyên bố vê cương lĩnh tranh cử
  5. Bỏ phiếu tín nhiệm
  6. Công bố kết quả[92][93][94]

Đánh giá tổng thể về các buổi lấy ý kiến cử tri, Báo Quảng Nam nhận định: "Tại các hội nghị, cử tri tham dự khá đông đảo, phát biểu sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, tâm huyết đối với cuộc bầu cử và ứng cử viên. Cử tri tin tưởng và gửi gắm nhiều sự kỳ vọng vào những người ứng cử HĐND các cấp được giới thiệu về lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm ở nơi cư trú. Tỷ lệ nhất trí cao, đa số ứng cử viên có chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn"[95].

Hội nghi cử tri kéo dài 2 tiếng, tuy nhiên Ứng viên ĐBQH Nguyễn Thúy Hạnh được cho biết là ứng cử viên chỉ được quyền nói trong 5 -6 phút. Về câu hỏi của bà, ai là "đại diện cử tri", những người được vào hội nghị cử tri, thì được cho biết do MTTQ và tổ trưởng dân phố chọn, coi như họ là người quyết định, cử tri nào được quyền bỏ phiếu tín nhiệm ứng cử viên.[96] Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV bị một số ít người cho rằng đang diễn ra một cách không minh bạch, vi phạm trắng trợn quyền ứng cử của công dân Việt Nam, bà đã tẩy chay hội nghị hiệp thương.[97]

Hà Nội, nhà báo Nguyễn Tường Thụy, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Ứng viên ĐBQH, cho là có sự gian lận trong tổ chức bầu cử. Đó là giấy mời của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc gửi công dân địa phương của ứng cử viên Đặng Bích Phượng. Tờ giấy có ghi là mời “đại diện cử tri”, nhưng trong pháp luật và từ điển pháp luật của chính phủ Hà Nội không hề có thuật ngữ này. Ông khẳng định rằng cụm từ “đại diện cử tri” là cái mẹo để hợp thức hóa một hội nghị mà họ dàn xếp kết quả.[98] Nhà báo tự do Đoan Trang đưa ra thí dụ cụ thể là - 75 cử tri "được mời" ở phường Gia Thụy, quận Long Biên, của TS. Nguyễn Quang A, - 63 cử tri "được mời" ở phường 7, quận Phú Nhuận, của Th.S. Nguyễn Trang Nhung - 68 cử tri "được mời" ở phường Cam Lộc, Cam Ranh, Khánh Hòa, của ca sĩ Mai Khôi - có quyền quyết định thay cho trung bình 490.000 cử tri trong mỗi khu vực bầu cử.[99]

Bùi Minh QuốcĐà Lạt: Cũng cho đây chỉ là cuộc đấu tố, bỏ cuộc hội thảo giữa chừng vì phát biểu chưa hết nội dung thì chủ toạ ngắt lời với lập luận rằng, ứng cử viên chỉ được nói lời tiếp thu ý kiến của cử tri chứ không được nói khác. Bị phê bình là không xứng đáng ứng cử vào Quốc hội vì đòi bỏ điều 4 Hiến pháp, đòi đa nguyên đa Đảng, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN.[98]

TS Nguyễn Quang A cho biết ông được 6/75 phiếu tín nhiệm. 6 ý kiến phát biểu với ý chính, TS không tham gia sinh hoạt với tổ dân phố và “học hành nhiều nhưng không đóng góp gì cho đất nước”.[100]

  • Thầy giáo Đỗ Việt Khoa bị loại sau Hội nghị lấy ý kiến cử tri (13/75) ở khu phố, bị ông Lực Trưởng xóm cho rằng đã để "chó ỉa sang nhà hàng xóm". Ông cho biết 13/15 người trong xóm đã ủng hộ, những người còn lại là ở khu vực khác ông nghi ngờ là "các sĩ quan an ninh mặc thường phục từ nơi khác đến." [101]

Những người khác không được tín nhiệm trong hội nghị cử tri là ở quận Phú Nhuận, TP. HCM, 62/63 cử tri nơi cư trú bất tín nhiệm. Nguyễn Trang Nhung – cử nhân tin học, cử nhân luật, Thạc sĩ tài chính-ngân hàng. Hiện tại ca sĩ Mai Khôi tuy bị loại nhưng đang dẫn đầu về số phiếu tín nhiệm 28/68.[99]

Ngày 10/4, từ Hà Nội, hãng tin BBC đưa tin, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nhà nghiên cứu văn hóa và blogger chia sẻ về kết quả của hai Hội nghị Cử tri vừa diễn ra các hôm 8 và 9 tháng 4 năm 2016 đối với ông: "Qua quan sát tôi thấy tất cả hội nghị cử tri và những ứng cử viên tham gia như là một cuộc đấu tố man rợ và bỉ ổi của cải cách ruộng đất. Tối hôm qua đã đến hội nghị cử tri của tôi như là đi vào pháp trường với sự thị uy của lực lượng chức năng, công an, rồi công an chìm băng đỏ các thứ nhưng rồi cái kết quả là thứ nhất, những ứng cử viên độc lập đều nếm trải cuộc đấu tố.", "Thứ hai, các kết quả là được rất là ít phiếu, ngay như tối nay ông ứng cử viên Phan Phong ở Tràng Tiền chỉ được 1 phiếu thôi. Hôm qua thì ông Nguyễn Kim Môn được 3/81 phiếu...," [102]

Ý kiến

Phải có cơ chế để người dân tự ra ứng cử bình đẳng với người được các tổ chức giới thiệu ra ứng cử; ứng cử viên phải trình bày, thậm chí tranh luận về chương trình hành động để cử tri lựa chọn được những đại biểu xứng đáng. [61]
Phân biệt đối xử với người tự ứng cử là phạm luật...Quan điểm của Đảng, Nhà nước là không phân biệt người được giới thiệu ứng cử với người tự ứng cử[103]...Tôi mong báo chí, cử tri, bản thân người tự ứng cử giám sát quá trình này để tránh xảy ra những thiếu sót, vi phạm đáng tiếc[73]
Tôi nghĩ, cần phải có số lượng người tự ứng cử nhiều hơn và tỉ lệ người tự ứng cử đi đến “chung cuộc” phải nhiều hơn. Không có rào cản gì đối với những người tự ứng cử. Chỉ có những định kiến hẹp hòi mới ngăn cản người tự ứng cử. Điều này phụ thuộc vào lãnh đạo của từng đơn vị, địa phương nào đó. Điều này không phù hợp với xu thế phát triển và định kiến không phải là điều được cho phép. [104]
  • Ông Vũ Mão (nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội) về một số vấn đề liên quan tới tự ứng cử và bầu cử đã nói:
Công tác giám sát của Quốc hội và kể cả của HĐND các cấp có một số tiến bộ và ngày càng tiến bộ. Các vấn đề bức xúc của cử tri đều được Quốc hội và HĐND quan tâm tiến hành giám sát, chọn lọc, đưa ra chất vấn các cơ quan chức năng để các cơ quan này có hướng giải quyết thỏa đáng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cử tri...Tự ứng cử của ta dễ dãi quá, không có một điều kiện ràng buộc nào. Như các nước, người muốn tự ứng cử thì phải có một số điều kiện như, phải lấy được đủ chữ ký của 100 người hoặc 1000 người ủng hộ. Hoặc như người tự ứng cử phải có một khoản tiền đặt cọc, sau khi trúng cử thì được lấy lại khoản tiền đó, còn nếu không trúng cử thì không được lấy lại. Nhưng trong luật bầu cử của chúng ta không có những điều đó.[105]

Ý kiến sau hội nghị cử tri

  • Ứng viên Bùi Minh Quốc nói với hãng tin BBC: "Họ có thể đạt được mục đích trước mắt của họ là chặn, gạt hết những người tự ứng cử, không cho ai lọt vào danh sách cuối cùng, để cuối cùng họ tiến hành một cuộc gọi là một mình một chợ... Thế nhưng hậu quả mà họ nhận được đó là họ thêm một bước nữa trong quá trình tự sát về chính trị và văn hóa." [106]
  • Ứng viên TS Nguyễn Quang A nói với hãng tin BBC: "Nếu đấu tranh mạnh mẽ, thì có thể hy vọng rằng Luật Bầu cử nó phải thay đổi thì mới được, chứ Luật Bầu cử mà nó đã được thiết kế để cái việc Đảng (CSVN) quyết định, Đảng chọn dân bầu, thì sẽ không bao giờ có kết quả tốt cả." [107]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bầu_cử_Quốc_hội_Việt_Nam_khóa_XIV http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2016/04/160414... http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2016/02/1... http://www.bbc.com/vietnamese/multimedia/2016/04/1... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/02/1602... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/02/1602... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/02/1602... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/02/1602... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/03/1603... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/03/1603... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/03/1603...